Đèn Chiếu Sáng... Ban Ngày - Daytime Running Light

11/05/2022 bởi Tân Quốc Vương

Từ xa xưa, các nhà phát minh đã tìm ra giải pháp giúp cho ô tô di chuyển được vào ban đêm, đó chính là dùng đèn chiếu sáng. Ngày nay, với nhu cầu của người tiêu dùng, và sự phát triển của công nghệ, thì đèn xe còn được xem là một bộ phận trang trí quan trọng, là phần hồn, điểm gây ấn tượng với cái nhìn đầu tiên của chiếc xe.

Mà có thay đổi biến tấu như thế nào đi chăng nữa, công dụng chính của đèn xe vẫn sẽ là chiếu sáng cho xe những lúc trời tối hoặc thiếu sáng như khi đi qua hầm.

 

Nhưng hiện nay, nếu bạn là một người sống ở thành phố hay những nơi có mật độ xe ô tô cao, thì bạn có thể quan sát thấy là bây giờ, các loại xe mới trên thị trường, nhiều xe rất hay mở đèn vào buổi sáng. Bạn nào nhận ra điều này thì bình luận bên dưới bài viết nhé.  

 

Loại đèn này từng gây tò mò cho rất nhiều người khi gây đủ điều khó hiểu, buổi sáng mà bật đèn không sợ hết bình hay gi? Hay là chủ xe quên tắt chăng. Thậm chí nhiều người còn có suy nghĩ tiêu cực là chủ xe cố tình mở đèn để khoe mẽ. Nhưng thực sự thì đằng sau nó là cả một bầu trời lợi ích.

 

 

Đúng với tên gọi của nó, đèn chiếu sáng ban ngày, tiếng anh là Daytime Running Lights - gọi tắt là DRL, là một loại đèn LED, thường được thiết kế thành 1 dây hoặc 1 cụm, dùng để chiếu sáng vào ban ngày. Loại đèn này thường nằm trong hộp đèn luôn, chung cụm với hệ thống chiếu sáng chính, nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt nằm dưới đèn sương mù hoặc cản xe. Sử dụng ánh sáng trắng, ánh sáng vàng hay còn gọi là ánh hổ phách để dễ nhận biết dưới điều kiện ánh sáng mặt trời. Các bạn có thể nhận biết nó qua những hình ảnh minh họa sau đây. 



Công dụng chính của đèn chiếu sáng ban ngày đó là tăng tính an toàn cho người lái xe, cho người tham gia giao thông đối diện và những người đi bộ, có thể phát hiện và nhận diện được chiếc xe đang từ xa chạy đến. Nhất là trong khoảng thời gian sáng sớm hoặc những ngày có thời tiết xấu như mưa hay là sương mù. Đèn ban ngày thường tự động bật khi xe nổ máy, vì vậy mỗi khi có ai đó thấy một chiếc xe đang đậu bên lề đường mà sáng đèn, thì họ sẽ nhận biết được là chiếc xe đang nổ máy, chuẩn bị duy chuyển.

 

Đèn DRL được bắt buộc sử dụng ở các nước Bắc Âu vào thập niên đầu những năm 1970, nơi mà mức độ ánh sáng xung quanh vào mùa đông thường thấp ngay cả vào ban ngày, cho nên rất hạn chế tầm nhìn của tài xế khi lái xe.

Tiền thân của đèn ban ngày xuất hiện khi những tài xế xe tải mua những chiếc đèn trang bị thêm của hãng Hella gắn ở phía trước xe của mình, với câu slogan: “Lắp đặt đèn nhận biết Hella để bạn được nhìn thấy khi tham gia giao thông”. Với công nghệ bóng sợi đốt và vỏ đèn màu vàng, thì đèn này trông không khác một cái đèn phá sương mù là bao, nhưng…nó rất là hữu hiệu, giúp người đi đường có thể dễ dàng phát hiện những chiếc xe tải từ xa đi tới, từ đó giảm thiểu hẳn va chạm.

 

Đến năm 1977, Thụy Điển trở thành nước đầu tiên ban hành luật, yêu cầu bắt buộc tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải có đèn DRL. Nhưng các nhà sản xuất xe chưa sản xuất công nghệ này cho nên hầu hết chỉ sử dụng phương pháp gắn thêm các loại đèn trang bị giống cái loại Hella vừa được chia sẻ lúc nãy.

 

Mãi cho đến năm 1984, lần đầu tiên đèn DRL chính thức được trang bị trên mẫu xe Volvo 240 với vị trí đèn nằm bên trên đèn xi-nhan, vào thời điểm đó, chức năng này được gọi là “varselljus”, được dịch sang Tiếng Việt là “đèn cảm nhận” hoặc “đèn thông báo”.

 

Sau đó, mãi đến năm 2008, đèn ban ngày mới thực sự nổi tiếng trên Thế Giới khi lần đầu tiên xuất hiện trên mẫu siêu xe Audi R8 dưới dạng công nghệ LED, được Tony Stark sử dụng trong phần phim Iron Man đầu tiên. Đây cũng là lần debut đầu tiên của mẫu siêu xe này.

 

Một năm sau (2009), đèn ban ngày dạng LED được phổ biến với người dùng thông qua mẫu sedan Audi A4 thế hệ thứ 4, do mẫu xe này được sản xuất với quy mô lớn. Từ đó trở đi, các mẫu xe khác của các hãng khác cũng học theo Audi để làm đèn ban ngày như vậy.

 

Ngày trước, đèn ban ngày là một trang bị trên xe hơi cao cấp hoặc xe hạng sang. Nhưng hiện nay, đây là một trang bị phổ biến kể cả trên xe hơi giá rẻ, thậm chí là cả xe máy, xe máy điện.

 

Và 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự phổ biến của loại đèn này, đầu tiên là về chi phí nghiên cứu sản xuất, công nghệ càng phổ biến và được nhiều hãng áp dụng thì chi phí sẽ giảm, nguyên nhân thứ 2 đến từ những lợi ích liên quan về an toàn mà loại đèn ban ngày mang lại.

Theo nghiên cứu của ban An toàn giao thông tại Ủy ban châu  u, sau khi áp dụng quy định ô tô phải bật đèn ban ngày, tỷ lệ tai nạn giao thông có chiều hướng giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ trong vòng 2 năm sau khi luật được áp dụng vào năm 1986, tỉ lệ các vụ tai nạn liên quan đến xe ô tô vào ban ngày ở Na Uy giảm 37% hay tại Đức giảm 25%. Một báo cáo của Canada từ năm 1997 cho thấy mức giảm 5,7% số vụ va chạm đối với ô tô có lắp đèn ban ngày, trong khi một nghiên cứu của Mỹ từ năm 2000 đưa ra con số là 7%.

Liên minh châu  u đã không điều tra vấn đề này cho đến năm 2003, nhưng đã đề xuất mức giảm từ 5 đến 15%.

Đèn ban ngày bắt đầu trở thành trang bị bắt buộc trên xe hơi, xe tải cỡ nhỏ bán ra ở Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 2/2011, trên xe tải và xe buýt là 8/2012. Những xe bán ra trước đó không bắt buộc phải gắn thêm đèn ban ngày, nhưng những xe sản xuất sau đó buộc phải trang bị tính năng này.

 

 Mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn riêng về đèn ban ngày trên xe hơi bán ra ở nước họ. Đèn DRL tiêu thụ tối đa bằng khoảng 25-30% năng lượng so với đèn chiếu sáng tiêu chuẩn. Với công nghệ LED, đèn ban ngày thường chỉ tốn 5-10W/bên cho nên là rất tiết kiệm


Thời điểm hiện tại, không khó để nhận thấy rằng đèn ban ngày đang dần xuất hiện trên những mẫu xe đời mới, hiện đại. Ngoài những lợi ích mà loại đèn này mang lại, thì đây sẽ là một điểm nhấn sẽ giúp cho chiếc xe của bạn trông thẩm mỹ hơn, công nghệ hơn, tăng mức độ nhận diện lên rất nhiều. Các bạn cảm nhận về loại đèn này như thế nào, hãy chia sẻ dưới phần bình luận nhé.