Bị lừa khi cho thuê dán quảng cáo trên ôtô
Patricia Hill nói với NBC12 rằng bà nhận được lời mời quảng cáo với tiền công 500 USD mỗi tuần. Đổi lại, một sticker của loại nước uống Dr. Pepper sẽ được dán trên xe của Hill. Người phụ nữ này nói cần có thêm thu nhập để lo cho mẹ mình nên nhận lời. Đặc biệt, Hill sẽ nhận được một tấm séc 1.700 USD.
Nhưng những báo cáo từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho thấy những vụ lừa đảo kiểu này sẽ thường diễn ra kèm một tờ séc có giá trị nhiều hơn số tiền đã được thỏa thuận, nhưng đổi lại là những thứ vô giá khác.

Patricia Hill cùng số giấy tờ liên quan tới vụ lừa đảo khiến bà mất hơn 1.000 USD. Ảnh: NBC12
Hill bị yêu cầu phải chia sẻ những thông tin nhạy cảm như bản copy bằng lái và số an sinh xã hội qua tin nhắn cho một người đàn ông tự nhận là đại diện của nhãn hàng Dr. Pepper. Ngoài ra, Hill phải thanh toán các hóa đơn dán sticker bằng tiền mặt.
Nhận được séc với những thông tin và con số rõ ràng, Hill bỏ tiền túi trả hóa đơn như thỏa thuận. Nhưng hai ngày sau, tờ séc được ngân hàng thông báo là giả mạo.
"Tôi liên lạc với anh ta, nhưng đổi lại là câu trả lời 'Tôi đã dừng việc thanh toán'. Anh ta đã lừa được tôi", Hill nói.
Ngoài tiền hóa đơn đã trả, Hill còn nợ hơn 1.000 USD lệ phí thấu chi. Nhưng với sự hỗ trợ của mẹ và con trai, người phụ nữ này may mắn đủ khả năng chi trả, và ngay sau đó đứng ra cảnh báo mọi người về kịch bản lừa đảo trên.
Khi được hỏi, Dr. Pepper nói họ không có chương trình mời gọi quảng cáo trên xe hơi. Nhưng kịch bản này dường như đang rất phổ biến, có thể là những cuộc gọi ngẫu nhiên, và thường xuất hiện trên những bảng tin tuyển dụng và trên mạng xã hội.
FTC cảnh báo: "Nếu bạn nhận được tin nhắn liên quan tới séc và ngân hàng, thì đó là lừa đảo. Bất cứ khi nào, và bất cứ nội dung là gì thì đều là thế".
Mỹ Anh
0 Bình luận